Với 40 năm tuổi đời, thế nhưng Đầu bếp Trần Ngọc Sang – sinh năm 1980 lại có đến 21 năm kinh nghiệm làm nghề, 14 năm đi và về nhiều nơi trên thế giới để quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới và đem những gì anh học được ở nước bạn về Việt Nam.
Hoa Khanh vui mừng đón tiếp Đầu bếp Trần Ngọc Sang tại showroom Hoa Khanh – 15A Cao Bá Quát, Nha Trang.
Để có được những thành tựu hiện nay, anh đã trải qua biết bao thăng trầm trong sự nghiệp lẫn cuộc sống. Cùng Hoa Khanh tìm hiểu con đường bén duyên với nghề bếp của đầu bếp Trần Ngọc Sang nhé.
Hành trình bén duyên với nghề bếp
Chia sẻ với Hoa Khanh, anh đam mê nấu ăn từ nhỏ, tuổi thơ anh không thích chơi những trò chơi như những bạn bè cùng trang lứa mà chỉ ở cạnh má, bà nội, bà cố và các trưởng bối nữ trong gia đình. Gia đình anh sống chung bốn thế hệ và rất đông người, đàn ông thì đi làm, phụ nữ ở nhà nội trợ và mỗi người buôn bán một món ăn. Bởi vì gần gũi với má và các trưởng bối nên từ lúc 7 tuổi anh đã bắt đầu học làm bánh, mứt, xôi, chè từ họ. Đến năm 12 tuổi, anh mua sách nấu ăn về tự mày mò nghiên cứu và bắt đầu tự tay mình nấu đám giỗ cho bà cố và ông nội đã mất, thời điểm đó anh sống cùng bà nội. Vì không đỗ đại học nên anh chuyển hướng sang đẩy xe bán hủ tíu xào ở ngã tư đường. Năm 2005, với nhiều sự thay đổi lớn trong cuộc đời, anh đăng ký vào trường Du lịch học nghề bếp để có được bằng cấp hẳn hoi. Ở đây anh đã gặp được cô Bùi Thị Sương (hiện là Nghệ nhân Ẩm thực Dân gian) và sau đó gặp má Sáu (tên gọi thân mật của anh dành cho cô Lê Thị Vân – Nguyên cố Nghệ nhân Ẩm thực Dân gian). Anh nghĩ rằng bởi do duyên phước nên anh được hai cô nhận làm đệ tử và dẫn dắt anh đi phụ bếp nhiều nơi kể cả ở nước ngoài. Đối với nhiều người muốn học nghề bếp thì phải tốn khá nhiều tiền, riêng anh thì may mắn hơn là vừa được học nghề vừa được hai cô cho thêm tiền để chi tiêu, thậm chí mua cả vé máy bay cho anh đi theo hai cô để học và có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài. Năm 2006, hai cô đã trao cho anh cơ hội được sang Sri Lanka giao lưu văn hóa ẩm thực và anh đã làm cho các cô tự hào khi đoạt giải Ba trong cuộc thi ấy. Chuyến đi đó không chỉ đánh dấu hành trình sang nước ngoài lần đầu tiên của anh mà còn thôi thúc trong anh hoài bão đưa tinh hoa ẩm thực Việt Nam ra khắp thế giới nhiều hơn nữa.
Hình ảnh anh Sang ( thứ 2 từ trái sang) cùng cô Sáu, cô Sương và bạn bè quốc tế trong sự kiện giao lưu văn hóa ẩm thực tại Sri Lanka năm 2006. Nguồn: FB Ngoc Sang Tran.
Thời gian sau đó anh còn cùng hai cô đi nhiều nước nữa nhưng do sức khỏe và tuổi tác của hai cô đã cao nên đã để cho anh đi một mình. Nhờ sự tin tưởng của chú Lý Sanh (Nguyên Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn), anh đã được chú đưa đi quảng bá ẩm thực Việt Nam ở khách sạn 5 sao của 5 thành phố lớn của Trung Quốc. Không phụ lòng chú Lý Sanh, anh đã làm cho ẩm thực Việt Nam được vinh danh nơi xứ người. Bên cạnh đó, anh còn từng làm việc tại 2 khách sạn 5 sao lớn nhất ở Ma Cao (tổng số nhân viên của khách sạn là 14.000 người).
Thành công lại nối tiếp thành công, anh tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình với vai trò là Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển món ăn của hệ thống nhà hàng Việt Nam ở Thâm Quyến, Trung Quốc (hệ thống gồm 30 nhà hàng). Không dừng lại ở đó, anh còn là người đầu tiên làm phở tươi bán tại chỗ cho hệ thống nhà hàng Việt Nam ở Hàn Quốc, ở đây anh cũng là thành viên quan trọng của phòng Nghiên cứu Peacook Kitchen thuộc hệ thống siêu thị Emart – chuỗi siêu thị nổi tiếng nhất của Hàn Quốc. Ngoài phở, anh còn đưa một số món ăn Việt Nam và các nước Đông Nam Á vào hệ thống siêu thị để kinh doanh cũng như quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Hình ảnh anh Sang khi làm Bếp trưởng của một nhà hàng Phở tại Hàn Quốc. Nguồn: FB Ngoc Sang Tran.
Hình ảnh anh Sang (hàng sau, thứ 2 từ phải sang) cùng hai sư phụ của mình gặp gỡ Vua đầu bếp Martin Yan. Nguồn: FB Ngoc Sang Tran.
Năm 2013, anh đã giúp cho một nhà hàng Á đổi sang kinh doanh món Việt Nam với lời hứa nếu Chủ nhà hàng đồng ý đổi sang kinh doanh món Việt Nam thì anh sẽ giúp họ có nhiều khách hơn và nổi tiếng chỉ trong vòng 3 tháng. Tuy nhiên, với trình độ tay nghề cao thì chưa đầy 3 tháng anh đã đem về doanh thu 7.000-10.000 NDT/ ngày, điều mà nhiều nhà hàng lớn hằng ao ước, nhưng nhà hàng anh làm chỉ có 20 ghế. Đài truyền hình uy tín Ma Cao chuyên làm tin tức về ẩm thực đã đến quay phim và quảng cáo miễn phí cho nhà hàng.
Video Đầu bếp Trần Ngọc Sang quảng bá ẩm thực Việt Nam tại Ma Cao.
Quan điểm về nghề bếp
Anh luôn quan niệm rằng người đầu bếp phải luôn đặt mình vào vị trí của thực khách khi nấu món ăn, chỉ như vậy thì mình sẽ mang đến nhiều món ngon cho thực khách. Ngoài ra, món ăn phải đẹp, cái đẹp không chỉ là cách trang trí, cắt tỉa đẹp mà là sự phối hợp hài hòa giữa các nguyên liệu và sự tỉ mỉ trong khi nấu. Món ăn ngon, vừa khẩu vị của khách thì sau khi thưởng thức mà thực khách nhớ tên món ăn, nhớ nơi bán hoặc nhớ tên người nấu thì lúc đó người đầu bếp quá thành công rồi. Ai cũng nói nấu ăn phải dùng tâm nhưng quan trọng là người đầu bếp dùng tâm như thế nào.
Những thành tích đạt được
- Anh là người đầu bếp đầu tiên được đứng dưới cờ Việt Nam để quảng bá ẩm thực Việt Nam.
- Lập Kỷ lục Việt Nam năm 2010: 15 phút với 27 cuốn gỏi cuốn đẹp và đều nhau với 100 đầu bếp chuyên nghiệp cùng tham gia.
- Lập Kỷ lục Việt Nam năm 2010: Đội trưởng đội đúc bánh xèo lớn nhất Việt Nam 146cm.
Những khó khăn từng trải qua
- Bất đồng ngôn ngữ khi ở xứ người.
- Xa gia đình những ngày Lễ, Tết.
- Bị ép bức vì là người Việt Nam khi ở nước ngoài.
- Chấp nhận đánh đổi công việc và tiền bạc vì giữ sĩ diện dân tộc.
Và còn nhiều điều nữa nhưng anh đã vượt qua tất cả.
Một số bằng cấp và giấy chứng nhận mà Đầu bếp Trần Ngọc Sang đạt được
Với dự định sắp tới, Hoa Khanh sẽ hợp tác cùng Đầu bếp Trần Ngọc Sang trong dự án kinh doanh nhà hàng ẩm thực Trung Hoa. Cùng chờ đón những tin tức mới nhất về dự án mới này của Hoa Khanh nhé.
Hoa Khanh.
(Theo chia sẻ từ Đầu bếp Trần Ngọc Sang).